09 chứng chỉ, bằng cấp kế toán tài chính dành cho người làm kế toán hoặc nghiên cứu

09 chứng chỉ, bằng cấp kế toán tài chính dành cho người làm kế toán hoặc nghiên cứu

Học là tiền đề cho việc nắm vững tri thức, là cơ sở để tiếp tục phát triển những kiến thức chuyên ngành. Người làm nghề kế toán tài chính trong quá trình làm việc, có thể trang bị cho mình những bằng cấp sau. Công ty FAMA trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số bằng cấp phổ biến dành cho những bạn mong muốn làm trong ngành kế toán tài chính.

1/Bằng trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành kế toán tài chính.

Tốt nghiệp lớp 12, bỡ ngỡ bước vào môi trường học mới, thông thường các bạn trẻ có thể chọn cho mình một con đường học vấn tiếp theo bằng cách thi vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và một trong những chuyên ngành đào tạo là kế toán tài chính. Thời gian học trung cấp thường là 2 năm, cao đẳng là 3 năm và đại học là 4 năm. Về sự khác biệt giữa trung cấp, đại học, bạn tham khảo về bài viết Giáo Dục Việt Nam trên wikipedia tại đây. Thường thì trung cấp với thời gian giảng dạy ngắn sẽ tập trung hướng dẫn các bạn nhanh chóng thuần thục việc hạch toán định khoản. Còn việc học đại học sẽ đào sâu hơn, cung cấp người học những nền tảng kiến thức kế toán tài chính và một số môn học khác, làm cơ sở cho việc học và nghiên cứu sau này. Theo Luật kế toán 2015, những bạn tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng sẽ không được dự chi chứng chỉ hành nghề kế toán (xem thêm ở dưới), đây là một thiệt thòi cho những bạn có ý định hành nghề kế toán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các bạn tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng vẫn có thể học tiếp để lấy bằng đại học chuyên ngành.

Bổ sung thêm là từ 01/07/2020 theo Luật quản lý thuế mới cập nhật, bằng cao đẳng chuyên ngành kế toán cũng không được dự thi đại lý thuế (chứng chỉ hành nghề dịch vụ thuế).

Mức độ khó lấy bằng trên thang điểm 10: 2/10  

2/Bằng thạc sỹ chuyên ngành kế toán tài chính

Từ nhu cầu học chuyên ngành kế toán tài chính nâng cao, hiện có rất nhiều trường đại học mở lớp đào tạo thạc sỹ chuyên ngành kế toán tài chính. Học theo hướng này thường dành cho các bạn đi sâu về nghiên cứu phát triển khoa học, bằng thạc sỹ cũng giúp bạn chính thức bước vào giảng dạy tại các trường đại học (quy định phải có bằng thạc sỹ sẽ được dạy cấp đại học) Có thể chia thành 03 hình thức đào tạo thạc sỹ:

-Bằng thạc sỹ cấp bởi các trường đại học Việt Nam: Các chương trình học tại Việt Nam phải thi đầu vào, tỷ lê đậu được phân bổ cho các trường.  Thời gian học mất khoảng 2 năm. Ước tính chi phí tốn khoảng 50-100 triệu đồng tùy trường. Nếu  thích thử thách, bạn có thể thi vào các lớp thạc sỹ của Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, tỷ lệ "chọi" khá cao. Nếu mục tiêu là bằng thạc sỹ, nên thử sức ở các trường mà tỷ lệ "chọi" thấp hơn như Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Công nghiệp....

-Bằng thạc sỹ cấp bởi các trường đại học nước ngoài liên kết với trường đại học Việt Nam: Chính sách mở cửa và khuyến khích học đã giúp cho các bạn sinh viên học thạc sỹ có thêm nhiều sự lựa chọn học chương trình nước ngoài tại Việt Nam. Các chương trình liên kết được học với giáo trình nước ngoài, giáo sư nước ngoài và thường bằng tiếng Anh. Do đó, đầu vào sẽ qua buổi phỏng vấn tiếng Anh để xét tuyển căn cứ trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm làm việc. Thời gian học mất 2 năm, học ngoài giờ làm và học phí tổng cộng ước khoảng 200 triệu đồng.

Xin giới thiệu với các bạn một số chương trình giải dạy thạc sỹ chuyên ngành kế toán tài chính liên kết với nước ngoài tại Việt Nam: Chương trình thạc sỹ kế toán tài chính và quản trị (FAMA) Đây là chương trình do Đại học Kinh tế & Luật Berlin (Đức) và Đại học Mở Tp.HCM (mở tại TP.HCM) hoặc Học viện Ngân Hàng (mở tại Hà Nội) cùng liên kết đào tạo chương trình cao học Kế toán Tài chính - Quản trị. Mục đích đào tạo các học viên thành các nhà Kế toán, các nhà phân tích tài chính và các nhà kinh doanh theo chuẩn quốc tế. Chương trình được thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu nhằm giúp học viên quản lý hiệu quả hơn kế toán và tài chính quốc tế, kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh quốc tế, vấn đề công và thực chi chính sách liên quan đến những quy định thị trường tài chính và kế toán. Chương trình được Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tài trợ và trao học bổng hàng năm. Rất tiếc, chương trình FAMA đã tạm ngưng sau 05 lần tuyển sinh tại TP.HCM, các bạn có thể liên hệ trường Việt Đức để hỏi thăm khóa thạc sỹ tài chính kế toán. FAMA cũng là tên mà Nam đã lấy để đặt tên cho công ty dịch vụ kế toán của mình.

Học bổng DAAD cho sinh viên FAMA

Chương trình thạc sỹ kế toán quốc tế Chương trình Thạc sỹ Kế toán Quốc tế (MintA) là chương trình hợp tác giữa Đại học công nghệ Swinburne và Viện Quản trị Kinh doanh-Đại học Kinh tế Quốc dân. Rất tiếc là chương trình không còn triển khai tại Việt Nam

-Bằng thạc sỹ cấp bởi các trường đại học nước ngoài và học tại nước ngoài Nếu điều kiện kinh tế tốt, bạn có thể chọn con đường du học để học lấy bằng thạc sỹ tại nước ngoài. Tuy nhiên, học phí và chi phí ăn ở tại nước ngoài khá cao. Bạn cần tính toán ngân sách để đảm bảo sẽ không bị "đứt gánh giữa đường"

Mức độ khó trên thang điểm chung cho việc học thạc sỹ 10: 6/10  

3/Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng

Để giữ vị trí kế toán trưởng, một trong những điều kiện cần có chính là Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Thời gian học chứng chỉ thường từ 03-06 tháng và việc thi đậu chứng chỉ không quá khó nếu bạn học và thi một cách nghiêm túc. Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng có giá trị sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp để bổ nhiệm kế toán trưởng lần đầu theo quy định của Luật Kế toán. Quá thời hạn 5 năm học viên có yêu cầu cấp lại chứng chỉ phải học lại khoá học bồi dưỡng kế toán trưởng. Những người có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng đã đủ điều kiện và được bổ nhiệm làm kế toán trưởng 1 lần thì Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng đó vẫn có giá trị để bổ nhiệm kế toán trưởng từ lần thứ hai trở đi, trừ khi khoảng thời gian không làm kế toán trưởng giữa 2 lần bổ nhiệm đã quá 5 năm.

Mức độ khó trên thang điểm 10: 0.5/10

Xem thêm bài viết về chứng chỉ kế toán trưởng

4/Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế

Bạn muốn trở thành nhân viên chuyên nghiệp khai thuế được Tổng cục thuế thừa nhận, mở doanh nghiệp đại lý thuế thì điều kiện cần có chính là Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế do Tổng Cục thuế cấp. Bạn cần có bằng cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật (chuyên ngành pháp luật kinh tế) và đã có thời gian làm việc trong lĩnh vực này từ hai (02) năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Chứng chỉ này hiện thi mỗi năm 1 kỳ vào khoảng tháng 06-09, thi 2 môn Thuế và Kế toán. Tỷ lệ học và thi đâu theo mình ước tính căn cứ trên các bạn học cùng khóa là 40%.

Mức độ khó trên thang điểm 10: 2/10

Xem thêm bài viết chi tiết về Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế  

5/Chứng chỉ hành nghề kế toán (APC) , chứng chỉ hành nghề kiểm toán (AC)

Đây là chứng chỉ hành nghề duy nhất cần có cho những người làm dịch vụ kế toán hoặc kiểm toán. Hai chứng chỉ thi cùng kỳ thi, do đó môn thi và chấm điểm giống nhau. Có tất cả 7 môn thi. Nếu bạn thi đậu 4 môn đầu sẽ có chứng chỉ APC và đậu 3 môn tiếp theo sẽ có CPA. Đặc biệt nếu có CPA thì bạn sẽ được cấp (chỉ cần nộp đơn) Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế Mức độ khó trên thang điểm 10 cho APC : 4/10

Tin vui là nếu ai có APC và đã hành nghề thì sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế, áp dụng từ năm 2017.

Mức độ khó trên thang điểm 10 cho CPA : 6/10

Xem thêm bài viết chi tiết về  Chứng chỉ hành nghề kế toán (APC), kiểm toán (AC)  

 

6/Chứng chỉ ACCA (Anh)

ACCA do Hiệp hội Kế Toán Công Chứng Anh quốc ACCA cấp, được đặt theo tên của hiệp hội. Hiệp hội được thành lập tại London, Anh Quốc từ năm 1904. Chương trình ACCA là chương trình đào tạo cao cấp, đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán – kiếm toán và quản lý tài chính. Chứng chỉ ACCA cung cấp cho học viên kỹ năng và kiến thức chuyên môn ở tầm quản trị nhằm giúp họ có khả năng phát triển sự nghiệp trong bất cứ ngành nào như kiểm toán độc lập, cơ quan nhà nước, khối doanh nghiệp hoặc các công ty dịch vụ tài chính. Sau khi hoàn tất 14 môn thi, môn học về đạo đức nghề nghiệp cộng với ít nhất 3 năm kinh nghiệm thực tế, học viên sẽ được cấp bằng và được vinh dự mang danh hiệu “ACCA” sau tên của mình. ACCA có thiên hướng tập trung vào kế toán tài chính và được hầu hết các công ty Big 4 cử nhân viên theo học chương trình này.

ACCA du nhập vào Việt Nam khá sớm do các Big4 có nhu cầu đào tạo cho lực lượng kiểm toán viên. Do đó, ACCA là chứng chỉ khá "nổi tiếng" tại Việt Nam và được nhiều người Việt Nam biết đến.

Ở Việt Nam, nếu bạn có ACCA thì sẽ dễ dàng ứng tuyển vào vị trí Trưởng Phòng Tài chính kế toán với mức lương không ít hơn 2000-3000 usd/tháng

Mức độ khó trên thang điểm 10 cho ACCA : 10/10

Website ACCA

 

7/Chứng chỉ CIMA( Anh)

CIMA (Chartered Institute of Management Accountants) - Hiệp hội kế toán quản trị công chứng Anh Quốc được thành lập năm 1919,  hiện nay có hơn 227.000 hội viên và học viên trên 179 quốc gia trên toàn cầu. Bằng CIMA được công nhận rộng rãi trên toàn cầu về quản trị tài chính và quản trị chiến lược. Bằng CIMA cung cấp cho người học kiến thức mang tính thực tế cao giúp họ thành công trong các vị trí quản lý. Hội viên CIMA có cơ hội trở thành hội viên của các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế danh tiếng:

  • Hiệp hội Kế toán công chứng toàn cầu CGMA (Chartered Global Management Accountant). Đây là sự kết hợp giữa 2 hiệp hội nghề nghiệp danh tiếng là CIMA và AICPA (American Institute of Certified Public Accountants). 
  • Hiệp hội Kế toán công chứng Úc – CPA Úc: Theo thoả thuận giữa CIMA và CPA Úc, hội viên CIMA sẽ được công nhận là hội viên CPA Úc và ngược lại. 
  • Hiệp hội Kế toán quản trị công chứng CMA Canada. 

Từ nền tảng kế toán, CIMA giúp bạn quản trị doanh nghiệp trên những cơ sơ lý thuyết mới và hiện đại nhất.

CIMA vào Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do thị trường Việt Nam nhỏ nên CIMA không đẩy mạnh. CIMA rất nổi tiếng trên toàn thế giới. Thường các CFO, đặc biệt là ngành sản xuất sẽ rất thích có chứng chỉ CIMA.

Mức độ khó trên thang điểm 10 cho CIMA: 10/10 

Website CIMA

8/ Chứng chỉ CPA (Úc)

Chứng chỉ CPA Australia được các nhà tuyển dụng trên khắp thế giới công nhận. Bạn sẽ được hưởng tất cả các lợi ích với tư cách là một CPA khi bạn sinh sống và làm việc tại bất kỳ quốc gia nào nhờ thỏa thuận công nhận giữa CPA Australia với các tổ chức nghề nghiệp khác. CPA Úc nghiêng về mảng kế toán tài chính như ACCA

Mức độ khó trên thang điểm 10 cho CPA: 9.5/10

 Website CPA Úc

 

9/Chứng chỉ CMA (Mỹ)

 

Chứng chỉ CMA (Certified Management Accountant) được cấp bởi Hiệp Hội Kế Toán Quản Trị Hoa Kỳ IMA (Institute of Management Accountants) là một tổ chức nghề nghiệp danh tiếng toàn cầu được thành lập năm 1919 với hơn 140.000 hội viên sinh hoạt tại 300 chapters được công nhận tại hơn 140 quốc gia

CMA có nội dung chương trình chuyên sâu và tập trung về các kiến thức và kỹ năng thiết yếu trong công tác kế toán quản trị và quản trị tài chính doanh nghiệp, là sự chuẩn bị tốt nhất để trở thành Giám đốc Tài chính hoặc chuyên gia Tư vấn Tài chính doanh nghiệp

Thời gian học ngắn: có thể hoàn thành chương trình CMA trong 192 giờ học và ôn thi

Về thời gian học cũng như mức học phí thì chỉ bằng 1/2 so với ACCA, CIMA hoặc CPA Úc. Tuy nhiên, giá giảm bởi kiến thức học ít hơn so với các chứng chỉ trên.

Mức độ khó trên thang điểm 10 cho CPA: 7/10

Website CMA

 

Bạn đọc thân mến, mức độ khó của chứng chỉ là do ý kiến chủ quan của người viết bài. Tuy nhiên, bài viết nhằm gởi đến bạn đọc ý kiến tổng quan về các bằng cấp, chứng chỉ cho những ai muốn làm chuyên sâu về ngành tài chính kế toán. Thân chúc bạn đọc tìm được con đường học của chính mình và đạt nhiều thành công trong sự nghiệp.

Phan Thanh Nam
CIMA Advanced Diploma

Master FAMA Trường Đại học luật kinh tế Berlin- CHLB Đức

Chứng chỉ hành nghề kế toán- Chứng chỉ đại lý thuế